CategoriesBản tin kỹ thuật bản tin nông nghiệp

CÁC LOẠI SÂU, BỆNH HẠI THƯỜNG GẶP Ở SẦU RIÊNG

CÔNG TY CỔ PHẦN XUẤT NHẬP KHẨU THIÊN NÔNG 689

Địa chỉ:  P5.09, Lầu 5, Toà nhà Moritz, số 1014 Phạm Văn Đồng, P.Hiệp Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh, Việt Nam

Hotline: 0785.888.689 và 0785.988.689 

 

Thiên Nông 689 xin kính chào quý bà con  

  Trong quá trình canh tác sầu riêng, quản lý sâu bệnh hại hiệu quả có tác động lớn đến quá trình làm bông làm trái, bổ sung dinh dưỡng hợp lý, cơi đọt ra đều, bóng, khỏe tăng khả năng quang hợp, tổng hợp dinh dưỡng nuôi trái, hạn chế sự tấn công của sâu bệnh. Hôm nay Thiên Nông 689 sẽ chia sẻ đến bà con bài viết về dinh dưỡng cho cây sầu riêng trong quá trình đi đọt để đạt được hiệu quả tối ưu nhất.

  1.Các loại sâu gây hại chính

    1.1. Rầy phấn :

        Cách gây hại: Đây là đối tượng gây hại rất quan trọng trên cây sầu riêng, rầy trưởng thành và ấu trùng thường sống ở mặt dưới lá và chích hút các lá non, lá bị hại thường có những chấm vàng, khi bị hại nặng lá thường khô, cong lại và rụng hàng loạt làm ảnh hưởng đến sự phát triển, ra hoa, đậu trái của cây. Rầy phát triển mạnh vào các tháng nắng và giai đoạn sầu riêng đi đọt.

        Phòng trị: Khi lá non vừa ra thường xuyên phun nước để làm giảm mật số trưởng thành của ấu trùng, điều khiển cây ra đọt non đồng loạt để dễ trừ rầy. Khi mật độ rầy cao dùng các loại thuốc BVTV có hoạt chất đặc trị rầy và ấu trùng để tiêu diệt dịch hại hiệu quả

 

    1.2. Rệp sáp :

       Cách gây hại: Loài này gây hại khá phổ biến trên sầu riêng, chúng tấn công trên trái từ khi trái còn non, rệp sáp trong quá trình gây hại còn tiết ra chất thải tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bồ hóng phát triển làm giảm giá trị thương phẩm của trái.

      Phòng trị: Thường xuyên thăm vườn kiểm tra; phun nước vào trái có thể rửa trôi rệp sáp trên trái, tỉa bỏ những trái non bị nhiễm nặng, không nên trồng xen cây cà phê, mãng cầu trong vườn; khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên chọn các loại có nguồn gốc sinh học, pha đúng liều lượng.

 

    1.3. Sâu đục trái:

       Cách gây hại: Con cái trưởng thành đẻ trứng trên vỏ trái non, sâu non nở ra thường ăn ở phần vỏ sau đó đục vào trong trái. Sâu gây hại từ khi trái còn non đến trưởng thành, đặc biệt gây hại nặng trên các chùm trái hơn là các trái đơn độc, trái non bị hại sẽ biến dạng và rụng, trái lớn bị hại sẽ làm ảnh hưởng đến giá trị thương phẩm và còn tạo điều kiện cho các loại nấm bệnh tấn công theo vết đục làm thối trái.

       Phòng trị: Thường xuyên kiểm tra để phát hiện quả bị sâu, đem tiêu hủy quả bị gây hại nặng và bị rụng, dùng túi chuyên dùng để bao trái, cắt tỉa trái sáu, trái phát triển kém, đào hố, rải vôi sát khuẩn tránh tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn lây lan trong vườn. 

 

    1.4. Nhện đỏ :

       Cách gây hại: Thành trùng có hình oval dẹp màu đỏ đến đỏ nâu, thành trùng sống 6-7 ngày, nhện đẻ từng trứng rải rác trên mặt lá, trứng nhện hình tròn màu đỏ. Nhện đỏ phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm ở vùng nhiệt đới, khả năng sinh sản cao, vòng đời ngắn, gây hại bằng cách ăn biểu bì mặt lá tạo thành những chấm trắng li ti và tiết độc tố. Khi bị nhiễm nặng lá chuyển màu vàng và rụng ảnh hưởng đến khả năng ra hoa và đậu trái của cây.

       Phòng trị: Phun nước lên lá tạo độ ẩm trong mùa nắng sẽ làm giảm mật độ nhện, đồng thời tạo điều kiện cho thiên địch có lợi phát triển. 

 

  2.Các bệnh gây hại chính

      2.1. Bệnh thối gốc chảy nhựa :

       Triệu chứng: Đây là bệnh hại rất quan trọng trên sầu riêng. Tác nhân do nấm Phytophthora Palmivora gây hại, nấm lưu tồn chủ yếu trong đất, trong nước, trong các bộ phận bị bệnh của cây sầu riêng. Nấm tấn công phần rễ non gần mặt đất và lan dần đến phần vỏ của gốc sát mặt đất và di chuyển lên phần vỏ của thân cây làm vỏ cây biến thành màu nâu, sau đó vỏ cây bị thối và chảy nhựa ra, phần gỗ tại vết bệnh cũng hóa nâu. Đôi khi nấm còn tấn công các cành phía trên cao của cây sầu riêng.

       Bệnh thường xảy ra trong mùa mưa và dễ dàng gây hại trong các vườn trồng dày có tán lá rậm rạp, chăm sóc kém. Nấm bệnh còn tấn công trên trái làm thối trái hàng loạt và trên lá sầu riêng nhất là trên các lá non ở các cành gần mặt đất. Trong mùa mưa nếu không kiểm soát và quản lý vườn cẩn thận thì nấm sẽ tấn công trên lá và trái, đây là nguồn lây lan rất quan trọng của bệnh tại vườn sầu riêng.

       Phòng bệnh: Nên kết hợp nhiều biện pháp tổng hợp như:

          + Thường xuyên theo dõi để phát hiện sớm.

          + Không nên trồng quá dày và trồng xen với các loại cây khác.

          + Phải điều trị nấm bệnh ở những cây bị bệnh triệt để và xử lý đất trước khi trồng mới.

          + Thu gom và tiêu huỷ những bộ phận của cây bị bệnh.

          + Luân canh đất, trước đây đã trồng cây cùng ký chủ.

          + Tiêu huỷ sớm những cây già yếu, không hiệu quả.

          + Chú ý bón phân hữu cơ cân đối, giúp cây hấp thụ dinh dưỡng hợp lý.

          + Đất phải thoát nước tốt, cách mực nước ngầm hơn 1m.

      Trị bệnh: Khi cây bị bệnh nên cạo sạch phần và bôi thuốc lên chỗ bị bệnh, để đạt được hiệu quả cao.

 

    2.2. Bệnh thán thư :

        Triệu chứng: bệnh này khá phổ biến trên cây sầu riêng, vết bệnh thường bắt đầu từ mép lá hay từ chóp lá lan dần vào trong phần phiến lá có màu nâu đậm. Vết bệnh điển hình là để lại các đường viền hình tròn có màu nâu đậm dọc hai gân chính. Thường bệnh xuất hiện trên cây kém phát triển, nhất là trong mùa nắng hay sau khi thu hoạch. Bệnh thán thư thường chỉ xuất hiện trên lá già.

        Phòng trị:

           + Cắt bỏ đem tiêu hủy lá bệnh

           + Bón phân, tưới nước đầy đủ.

           + Sử dụng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học, an toàn, hiệu quả, pha đúng liều lượng đúng cách, tránh pha quá đậm đặc hoặc quá loãng ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.

 

    2.3. Bệnh đốm rong :

        Triệu chứng: Bệnh đốm rong rất phổ biến và tấn công trên nhiều loại cây ăn quả khác nhau, bệnh thường tấn công trên lá và các cành cây ở các vườn sầu riêng chăm sóc kém.Vết bệnh có hình tròn màu gạch tôm đường kính từ 0,2-1cm và hơi nhô lên, nếu nhìn kỹ thấy nhiều sợi tơ trên vết bệnh thường xuất hiện ở mặt trên của lá, rong hút dinh dưỡng và làm lá kém phát triển, giảm quang hợp. Bệnh còn tấn công trên cành cây vết bệnh cũng tương tự như trên lá, làm cành non bị nứt ra, vị trí nứt này cũng dễ nhiễm các loại nấm khác, đặc biệt là nấm Phytophthora palmivora trong mùa mưa.

 

    2.4. Bệnh cháy lá chết ngọn :

         Triệu chứng: Đây là nấm gây bệnh khá quan trọng cho cây sầu riêng ở cả giai đoạn vườn ươm và cây trưởng thành. Vết bệnh xuất hiện ban đầu là những đốm màu nâu sũng nước, sau đó lan rộng dọc theo hai mép lá làm cho lá không phát triển được và co dúm lại cuối cùng lá khô và rụng, cành non cũng khô dần và chết cả cây. Trên cây trưởng thành bị nhiễm làm lá non bị khô và rụng; chết ngọn, cành và nhánh nhỏ, ảnh hưởng rất lớn tới năng suất. Thường bệnh xuất hiện và phát triển mạnh trong mùa mưa.

        Phòng trị:

           + Thoát nước vườn ươm tốt, không quá rậm rạp.

           + Không đặt cây con dưới tán cây lớn.

           + Thu dọn, tiêu hủy (các phần cây bị bệnh, tránh lây lan).

           + Tỉa cành tạo tán thông thoáng.

 

    2.5. Bệnh nấm hồng :

          Triệu chứng: Nấm bệnh thường tấn công trên các cành cây. Nấm thường tạo một lớp tơ, nấm lúc đầu có màu vàng trắng đục sau đó chuyển sang màu hồng nhạt phát triển xung quanh vỏ cành cây, nấm hút dinh dưỡng làm vỏ cành chỗ bị hại khô và rụng lá cả cành, cuối cùng làm cành chết khô.

         Phòng trị: Tỉa cành thông thoáng, cắt bỏ tiêu hủy nhánh bị bệnh nặng.

 

     2.6. Bệnh thối hoa :

          Triệu chứng: Hoa bị bệnh tấn công có màu nâu đen vết bệnh hơi lõm xuống. Nấm tấn công trên 2 mảnh vỏ bao quanh hoa sầu riêng, sau đó lan dần vào trong phần cánh hoa và làm hoa thối và rụng đi.

          Phòng trị:

            + Tỉa cành, tạo tán cho cây và vườn cây thông thoáng, nên tỉa bớt và để các hoa trên cành thưa và rời nhau, làm vệ sinh và tiêu hủy các hoa nhiễm bệnh rơi rụng dưới tán cây.

 

Thiên Nông 689 xin cảm ơn quý bà con đã đồng hành cùng Thiên Nông 689 trên hành trình trang bị thêm kiến thức kỹ thuật chăm bón cho cây sầu riêng mạnh khỏe. Mọi thắc mắc xin kính mời quý bà con liện hệ và hotline 0785.888.689 hoặc 0785.988.689 để được tư vấn miễn phí

Thiên Nông kính chúc quý bà con mùa màng bội thu!!!

Thiên Nông 689
5/5

 Người viết     Huỳnh Mỹ Duyên                                                                        

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *